Saturday, November 28, 2020

Lệ Quyên: Tuổi Thơ Trong Tôi




Trong tôi còn nhớ mãi
Tuổi thơ dại ngày nào
Trèo lên tận cây cao
Hái hoa về ép sách

Leo lên những Đống gạch
Rủ nhau chơi trốn tìm
Có đứa trốn nằm im
Rồi ngủ luôn một giấc

Cả đám tôi tất bật
Tìm bạn khắp ngõ cùng
Lòng suy nghĩ mông lung
Bạn đã bị ma giấu

Những đêm hè tháng sáu
Rủ nhau đến sân trường
Ngồi dưới những gốc dương
Cùng chơi trò (Ma gió)

Bạn hỏi tôi đâu đó
Tôi đi khiêng (Ma gió)
Cùng thều thào nho nhỏ
Trong bóng tối bao trùm

Sợ quá! Tôi chạy tuôn
Bay qua hàng rào sắt
Tuổi thơ tôi ôm chặt
Vào tận trái tim mình

Luôn giữ mãi trong tim
Những khuôn mặt ngày ấy

Lệ Quyên





Lệ Quyên

Wednesday, November 25, 2020

Choa: Nhìn Trộm

 
Mấy chục năm ăn ở vợ chồng
Mà em vẫn như ngày chưa cưới
Thẹn thùng mỗi lần thay quần áo mới
Bắt tôi ra ngoài cho em được yên tâm

Mấy chục năm quen một chỗ ăn nằm
Nhưng lại muốn như lần đầu mới lạ
Em bảo tôi từ từ đừng vội vã
Đêm tối mịt mùng môi lại đụng bàn tay

Nhiều lúc buồn cười, nhiều lúc thấy hay hay
Em bảy lửa mà vẫn mòn con mắt
Bởi có bao giờ em cho tôi trông rõ mặt
Cái quạt Hồ Xuân Hương hình dạng nó thế nào

Mấy chục năm em vẫn ngọt ngào
Như ngày mẹ đem trầu cau đến hỏi
Đôi lúc nghịch em giả vờ hờn dỗi
Để cười vui khi tôi sợ cuống cuồng

Ba bốn chục năm chung chiếu, chung giường
Cho nhau hết nhưng sao còn mắc cỡ
Tắm rửa, thay đồ... em không cho tôi ngó
Trời đất ơi, tôi buộc phải nhìn trộm vợ mình.

Choa

Tuesday, November 17, 2020

Tony Nguyen: Gỏi Cá Mai – Món Ngon Vùng Biển Ba Làng Choa





Nha Trang chẳng thiếu gì đặc sản. Nhắc đến Nha Trang người ta nghĩ ngay đến hải sản, đến nem Ninh Hòa, yến sào hòn Nội hay sò huyết Thủy Triều… Nhưng có lẽ món ăn thú vị và hấp dẫn nhất phố biển phải kể đến gỏi cá mai.
Gỏi cá mai là một đặc sản nổi tiếng mà không phải vùng biển nào cũng có. Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết… là những nơi sở hữu món gỏi cá mai ngon “đệ nhất”. Bởi vậy nếu có một người bạn ở Nha Trang chắc chắn quý khách sẽ được gia chủ chiêu đãi món ăn biển thơm ngon, hấp dẫn này.
Món gỏi cá mai được làm từ một loài cá đặc biệt của đại dương – cá mai. Loài cá này trông giống như cá cơm nhưng có mình ngắn và dẹp. Cá có màu trắng trong suốt, mình trơn và nhỏ chỉ bằng hai ngón tay. Đặc biệt cá mai hoàn toàn không có vảy và mùi tanh (hoặc rất ít tanh) rất phù hợp cho chế biến món gỏi. Bởi vậy mà cá mai hầu như chỉ dùng chế biến độc một món là gỏi.
Vị gỏi cá mai “là lạ”, ngọt thơm rất hấp dẫn. Bởi vậy mà ăn một lần quý khách sẽ cảm thấy ấn tượng và nhớ mãi.
Rất ít ai biết rằng để làm được một đĩa gỏi thơm ngon, hấp dẫn này đòi hỏi cả một quá trình công phu và tỉ mỉ.
Trước tiên là việc lựa chọn cá mai để chế biến món gỏi. Cá phải thật tươi ngon, được chọn từ lúc thuyền mới cập bến về. Thêm vào đó là các phụ liệu như hạt đậu nành rang giã mịn (để làm thính), hành tây, gừng, các loại rau thơm…
Đến công đoạn từ hai đó là sơ chế. Cá mai được rửa sạch và rút xương. Đây là khâu mất công, mất thì giờ nhất nhưng cũng là khâu quyết định đến độ ngon của món gỏi. Việc rút xương được làm tỉ mỉ trên từng con cá nên đòi hỏi người nấu phải thật khéo léo và kiên nhẫn. Cá mai sau khi rút xương sẽ dùng giấy thấm thật ráo để tạo độ giòn, thơm.
Tiếp theo là khâu làm tái cá. Thông thường nấu có thể sử dụng chanh, khế chua, me hoặc giấm… cùng một số gia vị đặc biệt khác để bóp cá cho chín. Cá mai chuyển từ màu trắng sang màu ngà đục là đã chín. Tuy nhiên, khi bóp cá cần khéo léo sao cho đều tay mà cá không bị dập nát.
Lúc này người nấu sẽ lấy thính rắc đều lên trên cùng với các nguyên liệu như hành tây, gừng và rau thơm đã chuẩn bị sẵn trước đó. Sau đó trộn đều tất cả và nêm lại gia vị vừa ăn là đã xong món gỏi ăn với bánh tráng nướng giòn
Tuy nhiên món gỏi ngon hay không còn phụ thuộc thêm một khâu nữa đó là làm nước chấm. Nước chấm gỏi cá mai khá đặc biệt – làm từ xương cá mai cùng các nguyên liệu như thịt băm, mắm canh tỏi ớt…mẽ...Vv!
Mời các bạn cùng thưởng thức

Tony Nguyen

Tony Nguyen: Thương Làng Biển, Thương Mẹ Tôi




Nhà tôi cách biển không xa. Vì thế, quê biển mà cứ đến mùa gì là chúng tôi cũng có thứ sản vật biển ấy. Người đánh được cá to ngon thì chở xe máy lên phố huyện bán đi muôn phương. Những người khác thì quang gánh lên chỗ xóm tôi rao bán dọc đường. Tiếng rao của người bán cá, tiếng chó sủa và tiếng người dân chòm xóm kêu nhau í ới để mua làm náo động cả một con đường thôn…

1. Tôi nhớ cứ mỗi độ gió nồm (gió nam, tháng 7) thổi về, ấy cũng là khi rộ mùa cá nục. Mẹ thường hay mua vài chục cân cá nục tươi để về phơi khô ăn dần vào mùa đông. Thứ cá nục tươi, con tròn lẳn to hơn ngón tay cái, mẹ đem hấp chín rồi bỏ vào mẹt(sàng tre)đem phơi hoặc trên mái tôn.
Để cá khô giòn, mẹ phải phơi 3 đến 4 nắng. Lúc ấy, dưới cái nắng gắt của vùng miền Trung ....Để làm thức ăn dự trữ mùa đông, mẹ đùm bọc vào nhiều lớp giấy báo, cuộn nhiều lớp nilon rồi bỏ trên gác bếp chờ cái lạnh để đem ra dùng. “Cái gió Nồm khô hanh làm cho những con cá này thơm hơn những vùng khác, ngon hơn vùng khác”, mẹ tôi nói thế.
Những ngày gió mùa đông bắc đến, không khí lạnh buốt nên chỉ mong kết thúc buổi học sớm để đạp xe về nhà. Quãng đường hơn 1 cây số đi bằng xe đạp từ phố Đồng Đế về nhà khiến những đứa học sinh như tôi đều cồn cào vì đói.
Vứt chiếc xe đạp ở góc nhà, cặp sách giữa giường rồi chui xuống bếp. Đôi tay lạnh nhăn nheo như con mèo ướt chui vào bếp ấm tìm thức ăn. Ấy thế mà món cá nục khô kho rim đường rắc tiêu ớt cay quả thực rất ngon. Lúc ấy, tôi đã ăn tới 5 bát cơm…
Nhà tôi thời ấy nấu nồi gang bên bếp củi, thế nên lớp cơm cháy thường là thứ ngon nhất khi ăn với món cá nục kho rim này. Cầm một mảng cơm cháy vàng, chấm vào thứ nước sền sệt mặn mặn, cay cay đưa vào miệng quả thực là… thứ tuyệt nhất trên đời.

Hầu như quê tôi nhà nào cũng có vài chiếc chum vại để làm nước mắm cá. Thứ nước mắm ngon “ngọt” thường được dân lặn biển “tợp” vài ngụm để giữ ấm trong người khi xuống đáy biển là thứ nước mắm cá cơm này.
Mọi năm, cứ vào tháng 4, tháng 5 là quê tôi rộ mùa cá cơm. Những con thuyền nan chở từ biển vào cả vài tạ thứ cá cơm trắng tươi với đường vẩy xanh nuốt, mắt trong vắt. Thứ cá ấy ở quê tôi thời xưa rẻ lắm, chủ yếu được dùng để làm nhiều thức ăn dự trữ cho suốt mùa đông. Thứ cá nhỏ xương, thịt nhiều này được chế biến thành hai thứ chủ yếu như phơi khô và làm nước mắm. Loại nước mắm cá cơm này có lẽ là thứ đặc sản tuyệt vời của quê tôi.
Cá cơm rửa sạch để ráo nước rồi cho vào chum sành to cỡ hai người lớn khiêng. Cứ mỗi lớp cá cơm mẹ lại cho vào một lớp muối hạt. Để món nước mắm đặc biệt hơn mẹ tôi còn cho một ít tiêu giã mịn.
Thứ tiêu Vĩnh Linh hạt nhỏ cay nồng, thơm nức này mẹ tôi cho vào để sau này thành “đặc sản” của gia đình. Một lớp phên tre đè cá xuống, một cục đá được đè lên để giữ sau đó được úp lại kỹ càng. Những chiếc chum được để ở góc sân, chỗ ít bóng cây. Chum được đặt ngay ngắn dưới cái nắng của vùng cát trắng gió Nồm.
Khi đủ cái nắng, cái mưa lên những chum cá cơm của mẹ cũng là khi gió mùa đông bắc đến. Mẹ tôi bắt đầu dỡ nắp đậy để chắt lọc thành những giọt nước mắm. Mẹ thường tận dụng những chiếc màn cũ gấp lại để thành lớp lọc thứ nước mắm thô ấy.
Những giọt óng vàng trong veo cứ thế chảy xuống chiếc nồi gang tí tách cả đêm, mùi sực lên thơm lựng cả gian bếp. Thứ ngọt lành của biển ấy mẹ tôi đóng vào chai thủy tinh rồi đem đặt bên bếp lửa ngày này sang tháng khác để dành ăn đến mùa cá năm sau...


Bà bảo, cái miệng cứ thèm thứ cá cơm, cá trích, cá nục con bằng ngón tay đem hấp rồi cuộn với rau sống chấm nước mắm cay sè thì ngon hết sảy...Và thế, mỗi vùng quê tôi đến đều có những thứ dân dã bình thường nhưng không thể thiếu trong đời thường. Cũng như món cá biển quê tôi đó, dù chỉ là tạm thời nhưng thói quen ẩm thực ngấm vào trong tâm thức của mỗi người. Bỏ đi một thói quen là một sự hụt hẫng không thể nào tả được... Nhưng tôi biết phải làm sao đây...!

Tony Nguyen