1. Tôi nhớ cứ mỗi độ gió nồm (gió nam, tháng 7) thổi về, ấy cũng là khi rộ mùa cá nục. Mẹ thường hay mua vài chục cân cá nục tươi để về phơi khô ăn dần vào mùa đông. Thứ cá nục tươi, con tròn lẳn to hơn ngón tay cái, mẹ đem hấp chín rồi bỏ vào mẹt(sàng tre)đem phơi hoặc trên mái tôn.
Để cá khô giòn, mẹ phải phơi 3 đến 4 nắng. Lúc ấy, dưới cái nắng gắt của vùng miền Trung ....Để làm thức ăn dự trữ mùa đông, mẹ đùm bọc vào nhiều lớp giấy báo, cuộn nhiều lớp nilon rồi bỏ trên gác bếp chờ cái lạnh để đem ra dùng. “Cái gió Nồm khô hanh làm cho những con cá này thơm hơn những vùng khác, ngon hơn vùng khác”, mẹ tôi nói thế.
Những ngày gió mùa đông bắc đến, không khí lạnh buốt nên chỉ mong kết thúc buổi học sớm để đạp xe về nhà. Quãng đường hơn 1 cây số đi bằng xe đạp từ phố Đồng Đế về nhà khiến những đứa học sinh như tôi đều cồn cào vì đói.
Vứt chiếc xe đạp ở góc nhà, cặp sách giữa giường rồi chui xuống bếp. Đôi tay lạnh nhăn nheo như con mèo ướt chui vào bếp ấm tìm thức ăn. Ấy thế mà món cá nục khô kho rim đường rắc tiêu ớt cay quả thực rất ngon. Lúc ấy, tôi đã ăn tới 5 bát cơm…
Nhà tôi thời ấy nấu nồi gang bên bếp củi, thế nên lớp cơm cháy thường là thứ ngon nhất khi ăn với món cá nục kho rim này. Cầm một mảng cơm cháy vàng, chấm vào thứ nước sền sệt mặn mặn, cay cay đưa vào miệng quả thực là… thứ tuyệt nhất trên đời.
Hầu như quê tôi nhà nào cũng có vài chiếc chum vại để làm nước mắm cá. Thứ nước mắm ngon “ngọt” thường được dân lặn biển “tợp” vài ngụm để giữ ấm trong người khi xuống đáy biển là thứ nước mắm cá cơm này.
Mọi năm, cứ vào tháng 4, tháng 5 là quê tôi rộ mùa cá cơm. Những con thuyền nan chở từ biển vào cả vài tạ thứ cá cơm trắng tươi với đường vẩy xanh nuốt, mắt trong vắt. Thứ cá ấy ở quê tôi thời xưa rẻ lắm, chủ yếu được dùng để làm nhiều thức ăn dự trữ cho suốt mùa đông. Thứ cá nhỏ xương, thịt nhiều này được chế biến thành hai thứ chủ yếu như phơi khô và làm nước mắm. Loại nước mắm cá cơm này có lẽ là thứ đặc sản tuyệt vời của quê tôi.
Cá cơm rửa sạch để ráo nước rồi cho vào chum sành to cỡ hai người lớn khiêng. Cứ mỗi lớp cá cơm mẹ lại cho vào một lớp muối hạt. Để món nước mắm đặc biệt hơn mẹ tôi còn cho một ít tiêu giã mịn.
Thứ tiêu Vĩnh Linh hạt nhỏ cay nồng, thơm nức này mẹ tôi cho vào để sau này thành “đặc sản” của gia đình. Một lớp phên tre đè cá xuống, một cục đá được đè lên để giữ sau đó được úp lại kỹ càng. Những chiếc chum được để ở góc sân, chỗ ít bóng cây. Chum được đặt ngay ngắn dưới cái nắng của vùng cát trắng gió Nồm.
Khi đủ cái nắng, cái mưa lên những chum cá cơm của mẹ cũng là khi gió mùa đông bắc đến. Mẹ tôi bắt đầu dỡ nắp đậy để chắt lọc thành những giọt nước mắm. Mẹ thường tận dụng những chiếc màn cũ gấp lại để thành lớp lọc thứ nước mắm thô ấy.
Những giọt óng vàng trong veo cứ thế chảy xuống chiếc nồi gang tí tách cả đêm, mùi sực lên thơm lựng cả gian bếp. Thứ ngọt lành của biển ấy mẹ tôi đóng vào chai thủy tinh rồi đem đặt bên bếp lửa ngày này sang tháng khác để dành ăn đến mùa cá năm sau...
Bà bảo, cái miệng cứ thèm thứ cá cơm, cá trích, cá nục con bằng ngón tay đem hấp rồi cuộn với rau sống chấm nước mắm cay sè thì ngon hết sảy...Và thế, mỗi vùng quê tôi đến đều có những thứ dân dã bình thường nhưng không thể thiếu trong đời thường. Cũng như món cá biển quê tôi đó, dù chỉ là tạm thời nhưng thói quen ẩm thực ngấm vào trong tâm thức của mỗi người. Bỏ đi một thói quen là một sự hụt hẫng không thể nào tả được... Nhưng tôi biết phải làm sao đây...!
Tony Nguyen
Great Memory!
ReplyDelete