Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Lễ kính thánh Giuse: Giáo sĩ Alexandre de Rhodes mở đầu công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài
Lễ kính thánh Giuse: Giáo sĩ Alexandre de Rhodes mở đầu công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài
Lễ thánh Giuse, ngày 19/3/1627, được xem là ngày khởi đầu công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài.Vào thời điểm này, Việt Nam bị chia thành hai vương quốc kình địch nhau, Đàng Ngoài, dưới quyền chúa Trịnh và Đàng Trong, dưới quyền chúa Nguyễn. Ở Đàng Trong, công cuộc truyền giáo đã bắt đầu sớm hơn. Ngày 18/1/1615, hai tu sĩ dòng Tên là Buzomi, người Italia, và Carvalho, người Bồ Đào Nha, tới Đà Nẵng và thiết lập địa điểm truyền giáo xứ Đàng Trong tại Faifo (Hải Phố, Hội An ngày nay). Và từ thời điểm này, hầu như hàng năm đều có các nhà truyền giáo dòng Tên tới Đàng Trong. Trong khi đó, ở Đàng Ngoài, phải đợi tới năm 1627, công cuộc truyền giáo mới bắt đầu một cách chính thức và liên tục với hai thừa sai Pedro Marquez và Alexandre de Rhodes. Ngày hai nhà truyền giáo khởi đầu đặt nền móng cho Giáo hội Đức Kitô ở Đàng Ngoài lại chính là ngày lễ thánh Giuse, bạn Đức Trinh nữ Maria.
Khởi đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài
Thực thì các nhà truyền giáo ở
Macao, khi khởi đầu công
cuộc truyền giáo ở Đàng Trong, cũng đã nghĩ tới việc truyền giáo ở Đàng
Ngoài. Nhưng mãi tới tháng 2 năm 1626 mới có chuyến tàu của người Bồ
Đào Nha từ Macao đi Đàng Ngoài. Linh mục J. Baldinotti, dòng Tên, người
Italia và một tu sĩ người Nhật Bản có mặt trên chuyến tàu này tới Đàng
Ngoài để tìm hiểu khả năng truyền giáo tại vùng đất này. Tại đây, giáo
sĩ Baldinotti đã được chúa Trịnh đối đãi rất ân cần, được mời vào cung
điện trao đổi, bàn bạc và được thết đãi yến tiệc. Giáo sĩ còn được chúa
Trịnh mời ở lại và cho phép tự do ra vào vương quốc của mình. Thực ra,
chúa Trịnh cũng mong người Bồ Đào Nha hỗ trợ mình như đã hỗ trợ chúa
Đàng Trong.
Nhưng
Baldinotti đã không ở lại dù rất phấn khởi trước những triển vọng của
công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài, vì giáo sĩ không biết tiếng Việt.
Với kinh nghiệm của buổi đầu công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong,
Baldinotti hiểu rõ là công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài sẽ gặt hái được
nhiều thành quả tốt đẹp nếu được bắt đầu ngay với các nhà truyền giáo
thông thạo tiếng Việt. Giải pháp tốt nhất là gửi nhà truyền giáo đang
họat động ở Đàng Trong ra Đàng Ngoài ‘vì hai miền xưa kia là một vương
quốc’1. Linh mục đã nhờ người mang thư cho các giáo sĩ ở miền nam nói rõ yêu cầu của mình.
Tháng 8/1626, Baldinotti xuống thuyền buôn của người Bồ Bào Nha trở về
Macao. Trong thời gian ở Đàng Ngoài, linh mục Baldinotti đã chỉ ‘làm phép Rửa được cho bốn trẻ em sắp chết’2.
Công
cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài đã được quyết định, nhưng còn phải đợi có
chuyến tàu buôn của người Bồ Đào Nha tới Đàng Ngoài, các nhà truyền
giáo mới có phương tiện tới được đây. Mà lúc này thì các thương gia
người Bồ không còn mấy hứng thú tới Đàng Ngoài buôn bán: chuyến buôn gần
đây nhất, các thương gia người Bồ đã lỗ vốn nặng nên trước mắt chưa
thấy có thương gia nào chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Nhưng rồi cuối
cùng, cũng có được một người Bồ ‘cao sang về đức hạnh’ nghĩ đến ‘ích lợi
thiêng liêng’ hơn là lời lỗ ‘về của cải vật chất,’ có tên là Gioan
Pinto de Fonseca đứng ra tổ chức chuyến đi tới Đàng Ngoài. Alexandre de
Rhodes, người đã tới Đàng Trong gần hai năm nay (1624-1626) và đã ‘học
hỏi chút ít về ngôn ngữ thông dụng’, lúc này đang ở
Macao, đã được chọn đi
trong chuyến đi này. Cùng đi với A. de Rhodes, còn có linh mục Pedro
Marquez là người đã tới Đàng Trong nhưng hoạt động chủ yếu nơi cộng đồng
người Nhật ở Hội An (1617-1626). Marquez được cử đi với cương vị bề
trên của A. de Rhodes.
Bến thánh Giuse
Ngày
12/3/1627, tàu chở A. de Rhodes rời bến, qua đảo Tam Châu, nơi có mộ
xưa kia chôn cất thánh Phanxicô Xaviê, rồi từ đó tiến vào biển Hải Nam.
Tàu gặp bão và mãi tới sáng ngày lễ thánh Giuse, 19/3, ‘chúng tôi khám
phá ra một cửa biển người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn gọi
là cửa thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính
Người và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để người làm vị quan thày bảo hộ
và làm cha nuôi giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này’3.
Thánh Giuse đã trở thành vị thánh quen thuộc của người Công giáo phía
bắc, Đàng Ngoài cũ: ngay tại đây, vào buổi đầu này, đã có ‘bến thánh
Giuse’, ‘xóm thánh Giuse’… Người đầu tiên được chịu phép Rửa tội tại Cửa
Bạng này, và có lẽ cũng là người đầu tiên của giáo đoàn Đàng Ngoài,
được đặt tên thánh là Giuse. Người kế tiếp mới được đặt tên thánh là
Inhaxu, vị tổ phụ dòng Tên, rồi Phêrô và Phaolô, hai vị Tông đồ Cả của
Giáo hội.
A.
de Rhodes quả là một nhà truyền giáo hăng say với sứ mạng của mình,
không bỏ phí thời gian và cũng không chịu bỏ qua bất cứ cơ hội nào. Ngay
sau khi từ tàu bước xuống đất liền, sau một cuộc hành trình kéo dài cả
tuần lễ, ngài đã bắt đầu ngay công việc giảng đạo. Ngài tiếp tục công
việc giảng dạy, ở chợ, ở nhà tư, ở nhà thờ, ở bất cứ nơi nào có người tụ
tập; ngài làm việc không mệt mỏi: giảng ngày, giảng đêm, có lúc sáu
buổi mỗi ngày, ‘ba lần buổi sáng, ba lần sau cơm tối’, mỗi tuần dành hai
ngày để làm phép Rửa tội cho hai mươi người, có khi bốn người mỗi ngày…
Và khi, vào ngày 18/6/1628, phủ chúa ra lệnh cấm dân chúng không được
đến gặp các giáo sĩ và không được theo Công giáo, giáo sĩ A. de Rhodes
mới hết bận rộn, nhưng ‘Trong lúc ngưng các công việc mà chúng tôi đã
phải liên tục tiến hành trong bảy tháng ròng, thân xác chúng tôi cảm
thấy mệt. Một sự xuống sức mà chúng tôi chưa bao giờ nhận thấy trong
những lúc mệt nhọc dữ dằn nhất và căng thẳng nhất. Nhờ một chút nghỉ
ngơi do sự bách hại của kẻ thù đem đến mà chúng tôi được sử dụng 15 ngày
vào việc tĩnh tâm theo phương pháp linh thao, nhằm đổi mới tâm linh và
bồi dưỡng sức mạnh cho tâm hồn’4.
Bài giảng đầu tiên trên đất truyền giáo Đàng Ngoài
Bài
giảng đầu tiên của giáo sĩ A. de Rhodes trên đất Đàng Ngoài khi ngài
vừa đặt chân lên đất liền tại Cửa Bạng trước một cử tọa đông đảo những
người dân tò mò muốn biết các ngài từ đâu đến và đem những hàng hóa mới
lạ nào, có thể được xem như một bài giảng mẫu tại đất truyền giáo: từ
một sự tò mò trước cái mới lạ, giáo sĩ đã giới thiệu với họ Tin Mừng
ngài mang đến cho họ như ‘một viên ngọc quý làm cho những ai mua nó sẽ
trở nên giàu có và hạnh phúc. Giá cả của viên ngọc đó không quá cao,
người nghèo cũng có thể mua được nếu muốn mua’. ‘Viên ngọc quý’ trong
Tin Mừng! Một nhà buôn bắt gặp và nhận ra giá trị của viên ngọc, bèn vội
vã bán hết những gì mình có để tậu cho bằng được viên ngọc vô giá. Sự
trở lại không bắt đầu bằng việc từ bỏ mà bằng việc nhận ra giá trị của
Tin Mừng cứu độ. Rồi từ ‘điều mà họ thường gọi là đạo theo ngôn ngữ các nho sĩ và đàng theo ngôn ngữ bình dân có nghĩa là đường’, A. de Rhodes đã giới thiệu về đạo thật và đàng thật đưa người ta ‘tới cõi phúc đích thực và trường cửu’. Một khám phá thú vị! Người dân ở đây đã gọi đạo là đường. Đi đạo cũng là một thành ngữ quen thuộc và bình dân nơi người công giáo Việt
Nam. Và A. de Rhodes cũng đã tỏ cho họ thấy đấng ‘các người thờ mà chẳng biết’, là chính Đức Chúa trời đất,
- như thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã giảng cho người dân ở
Atênô ngày nào -, và kêu gọi người ta ‘thi hành nghĩa vụ chính đáng của
ta đối với Đức Chúa trời đất theo cách thức Người mạc khải cho ta’5.
Nền
móng của giáo hội tại Đàng Ngoài đã được cất lên như vậy: với công việc
giảng dạy, làm phép Rửa, việc tập họp tại nhà tư, tại nhà thờ để đọc
kinh, đọc sách, cử hành bí tích, với công việc bác ái và lòng ‘hăm hở
làm các việc nghĩa, chăm sóc người nghèo, đi thăm người cùi’6 …
Năm
phụng vụ ra đời: đêm Noen, giáo dân tân tòng hát các bài ca Giáng sinh;
ngày đầu năm, đặt thánh giá trên cây nêu, dành ngày mồng Một Tết để
tưởng nhớ công việc tạo thành và dâng kính Thiên Chúa Cha; ngày mồng Hai
để nhận biết ơn cứu chuộc, kính dâng Con Thiên Chúa, ngày mồng Ba khiêm
tốn cảm tạ Chúa Thánh Linh vì được ơn gọi vào đạo Đức Kitô; giữ chay
nghiêm ngặt mùa chay thánh; tuần thánh ngắm mười lăm mầu nhiệm thương
khó: ‘Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy
niệm một trong mười lăm sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt
một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo hội Rôma’7.
Việc suy niệm về những thống khổ và cái chết của Chúa Giêsu vì tội lỗi
loài người tạo cảm xúc mạnh nơi những người giáo dân tân tòng khiến A.
de Rhodes ‘phải khuyên họ kiềm chế để làm cho lương dân không còn cớ
phán đoán sai lầm về lòng đạo đức của họ’8.
Tuần
thánh đầu tiên tại Đàng Ngoài, ‘chúng tôi hạ một cây cao nhất trong
vùng gần đó và làm thành cây thánh giá, rồi tất cả giáo dân, cũ cũng như
mới, vào ngày thứ sáu tuần thánh, chúng tôi vác lên vai đưa lên đỉnh
cao nhất của quả núi này, sau những lời làm phép thông thường, chúng tôi
dựng lên như chứng tích vinh quang thắng mọi thế lực hỏa ngục và chúng
tôi khiêm nhường cung kính thờ lạy. Chúa Đàng Ngoài đã thấy thánh giá
khi chúa đi qua cửa biển này để chuẩn bị chiến dịch chống Đàng Trong.
Ngài hỏi xem đó có phải là dấu hiệu người Bồ đã dựng trên các bến và một
người tháp tùng có thịnh tình với giáo dân đã trả lời là từ xa khi
người ta thấy dấu hiệu này ở đâu thì đều bị thu hút tới đó. Chúa hài
lòng vì cho rằng nhờ cách này mà tàu người Bồ bị thu hút tới hải cảng
của ngài để thông thương mua bán’9.
Những hoa quả đầu mùa
Bước đầu của công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài với linh mục A. de Rhodes có thể được chia thành ba chặng:
Bước đầu của công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài với linh mục A. de Rhodes có thể được chia thành ba chặng:
(Nhà thờ Ba Làng)
Chặng thứ hai ở An Vực từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6/1627, trong thời gian chờ chúa Trịnh Tráng vào nam đánh chúa Nguyễn về: hai thừa sai đã có gần 200 tín hữu tân tòng trong tỉnh Thanh Hóa này. ‘An Vực’ có thể nằm gần cửa Thần Phù. Năm 1848, tại đây có xứ đạo Thần Phù, vốn là xứ Vanno cũ, cạnh làng An Vực. Giáo dân ở đây không ngừng nhớ về cuội nguồn: “Thứ nhất Tòa thánh Phapha, thứ hai Cửu Bạng, thứ ba Thần Phù.” Xứ Thần Phù nay được gọi là Hảo Nho, xã Yên Lâm, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Phát Diệm.
Chặng thứ ba ở Kẻ Chợ (Thăng Long – Hà Nội) từ 2/7/1627 đến 6/1628: 2.000 người theo đạo, thuộc nhiều thành phần, có cả những người thuộc giới hoàng tộc, quan lại, sư sãi hoặc giới nho lại, trong số này, người nổi tiếng nhất là bà Catarina, chị (hay em) của nhà vương. Bà là người thông nho, giỏi thơ văn. Theo kể lại thì chính bà đã cho soạn cuốn giáo lý bằng thơ, bắt đầu với việc Thiên Chúa dựng nên trời đất, rồi việc Chúa Giêsu ra đời làm người, chết, sống lại và lên trời, kết thúc với việc các giáo sĩ dòng Tên tới giảng đạo ở Đàng Ngoài.
Kết luận
Hoạt động của A. de Rhodes cho công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài, trên đất nước và cho Giáo hội Việt Nam nói chung, dĩ nhiên, không dừng lại ở đây. A. de Rhodes đã để lại trong lòng người tín hữu Việt Nam dung mạo của một nhà truyền giáo đầy sáng tạo, hăng say và dấn thân đi tới cùng sứ mạng của mình. Nhìn lại sứ mạng truyền giáo ngài đã thực hiện, người ta có quyền đặt câu hỏi không biết nhà truyền giáo gốc Avignon này có còn thời giờ và đầu óc để nghĩ tới một cách nghiêm túc điều gì khác ngoài việc đem Tin Mừng đến cho muôn dân. Dẫu sao, trên nền móng A. de Rhodes và Marquez đã gầy dựng và dưới sự chở che của vị Thánh quan thày, giáo hội công giáo Đàng Ngoài và miền Bắc, giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung, đã đứng vững tới ngày nay và đang hân hoan chuẩn bị cử hành năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, một bước trưởng thành mới của giáo hội này, sau gần bốn thế kỷ với không ít sóng gió, bão táp.
---------------------------------------
1 Christopho Borri, trong BAVH 1931, số 3-4, trg. 397.
2 A. de Rhodes, Divers Voyages et Missions, trg. 96.
3 A. de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Tủ sách Đại kết, 1994, trg. 82.
4 A. de Rhodes, sđd., trg. 138.
5 A. de Rhodes, sđd., trg. 83.
6 A. de Rhodes, sđd., trg. 93.
7 A. de Rhodes, sđd., trg. 131
8 A. de Rhodes, sđd., trg. 131
9 A. de Rhodes, sđd., trg. 85.
10 Xem Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam. Kiến trúc – lịch sử. Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2004, trg.142.
No comments:
Post a Comment