Tài liệu 1: của Trường Thanh.
LỊCH SỬ DÂN XỨ BA LÀNG - THANH HÓA
I- NGUỒN GỐC BA LÀNG
Trước khi tìm hiểu về nếp sinh hoạt cũng như tinh thần của một dân xứ, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu địa danh và những gì gây ảnh hưởng nơi địa danh ấy.
Cửa Bạng là tên của một cửa sông (từ sông thông ra biển) và cũng là địa danh của một vùng nằm về phía đông quận Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Bắc giáp núi Thủi, núi này ngày xưa gọi là hòn Nỏ vì giống như hình một chiếc nỏ. Bên kia núi Thủi là làng Chay, nằm về phía Tây Bắc là làng Khoa Giáp; Tây giáp con sông Bạng, bên kia sông là làng Bạng, làng Thanh Vân, làng Khánh, làng Du Độ, làng Như Áng; Nam giáp núi Do, nơi đây có lạch thông ra biển. Cửa Bạng được kể từ núi Thủi tới núi Do, trên con đường dài 3 cây số ngàn, giới hạn từ sông Bạng tới bờ biển rộng 600 mét.
Ai đã có dịp đặt chân tới cửa Bạng không khỏi ngạc nhiên; khi đứng trên cao nhìn những ngọn núi Mê, núi Bung, núi Miệng trầm mặc, và giăng hàng giữa một đại dương rộng bát ngát, như bức tường thành vĩ đại chận làn sóng dữ đang bủa thẳng vào bờ. Lui dần vào là mũi Biện Sơn, một quả núi giống hình con Thanh Long Đao đâm ngang ra biển, nơi đây, cũng là nơi nương náu của những thuyền bè bị sóng gió bão táp. Đi vào trong đất liền, bên kia sông Bạng là núi Thề Nguyền, một ngọn núi thấp, trên núi còn để lại dấu vết của gót chân Hai Ông Tiên và một bàn cờ tướng. Vùng này cũng là quê hương Đào Duy Từ; danh tướng của chúa Nguyễn, tác giả bài Ngoạ Long Cương và chiến luỹ Trường Dực, nổi danh trong lịch sử cận đại. Xa hơn nữa, ngọn núi Nam Lặng hùng vĩ ngạo nghễ, nằm trong dãy Trường Sơn, như đứng trông coi cả một vùng rộng lớn. Ngọn núi Nam Lặng còn là kim chỉ Nam cho ngư dân trong những lúc lạc hướng lênh đênh trên biển cả.
Từ nơi non nước hữu tình và hùng vĩ ấy, đã từng chứng kiến bao cảnh đổi thay của cuộc thế và cũng là nơi có một lịch sử Đạo Thiên Chúa vào bực tiền phong của dân Việt Nam.
Theo linh mục Jos. Trần Cường Tráng thì cố Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) được lệnh đi giảng đạo ở Đàng Trong, nhưng trên con đường vượt trùng dương vào Nam, thuyền của Cố bị phong ba nổi lên và đánh bạt vào một cửa bể gọi là Lạch Bạng. Ở đây dân chúng tuôn ra xem rất đông và tò mò muốn biết thuyền của vị tu sĩ ngoại quốc chở gì. Cố Alexandre lợi dụng cơ hội tốt liền nói: "Thuyền của chúng tôi chở một thứ ngọc rất quý, giá bán lại rẻ ai cũng có thể mua được và sẽ trở nên giầu có phú quý".
Họ liền xin xem thứ ngọc ấy.
Cố bảo: "Đá ngọc ấy, con mắt xác thịt không thấy được, phải dùng trí khôn suy xét mới thấy được. Đá ngọc ấy là đạo dậy cho ta biết thờ phượng Đấng đã dựng nên vũ trụ muôn loài. Đấng ấy ta quen gọi Ngài là Ông Trời."
Liền sau đó, hai đàn anh trong dân xin học Đạo và ngay sau đó được chịu phép Rửa Tội.
Vùng ấy, còn có một thầy phù thủy thường bị ma qủy khuấy phá, ông đã dựng bàn thờ trong nhà để thờ ma qủy, nhưng chúng vẫn cứ quấy nhiễu luôn, nên ông đến xin học Đạo Ông Trời và nhờ Ông Trời đuổi qủy đi cho. Cố Alexandre bảo ông lập một bàn thờ giữa nhà, trên bàn thờ dựng một cây Thập Giá. Kể từ đó, nhà ông không bao giờ bị ma qủy hoành hành gây rối nữa. Thấy vậy, dân chúng cửa Bạng theo đạo rất đông. (Viết theo lịch sử Địa phận Thanh Hoá trang 5,6) Đạo Công Giáo được truyền vào cửa Bạng ngày 19-3-1627 năm Đinh Mão.
Sau đó một thời gian khá lâu, một biến cố xẩy ra: Dân Du Xuyên, tục gọi là làng Do, một làng ở ngay cửa Lạch Bạng, sống về nghề chài lưới và buôn bán nước mắm, mức sống nghèo nàn, gần một nữa dân làng theo đạo Công Giáo, nữa còn lại theo đạo Phật và thờ cúng tổ tiên, thường đến ngày Giỗ Chạp, hay làm cỗ bàn cúng tế, lễ bái. Những người theo đạo Thiên Chúa, vì không còn tin tưởng bụt thần, thường hay nếm, ăn trước những đồ cúng tế, nên sau đó một cuộc cãi lộn xảy ra. Và cũng từ đó, dân Du Xuyên được chia làm đôi. Những người theo đạo Thiên Chúa, vì không muốn cảnh "cơm không lành, canh không ngọt" bên những người không cùng một tôn chỉ, một lý tưởng, nên đã dời cư về một mảnh đất trống, ở phía Bắc chiếm cứ mảnh đất hoang vu, dần dần biến nơi này thành làng trù phú và thơ mộng.
Danh từ Ba Làng là do sự gọi tắt của Ba ngôi làng: Sung Mãn - Ngoại Hải - Như Xuân, toạ lạc trên một mảnh đất hình cong như chiếc võng rộng chừng 600 mét và dài 2000 mét. Bắc giáp núi Thủi, Đông giáp biển, Tây giáp sông Bạng, Nam giáp Du Xuyên (Núi Do)
Ba Làng như võng đòn cong
Hai anh Do Thủi đang còng lưng khiêng.
(LM P. Nguyễn Dương Hiến)
Theo các cụ già kể lại thì: Mảnh đất Ba Làng trước kia là một bãi đất hoang vu, mọc rất nhiều bụi dứa dại, nên thường gọi là bãi dứa và chưa có nhà cửa gì cả, nhưng sau vụ xích mích giữa anh em làng Du Xuyên - và cũng vì lý do nghề nghiệp (nghề đánh cá dọc bờ biển) một số người thuộc làng Du Xuyên đã di chuyển dần về hướng Bắc, lập nên một "chòm", chòm này một ngày một thêm đông vì dân Cửa Lò Nghệ An cũng vì sinh kế ra đó lập nghiệp và nhất là trong thời kỳ bắt đạo của các vua nhà Nguyễn, chòm này là nơi nương náu của những người Công Giáo Nghệ An Hà Tĩnh và các miền lân cận. Vì dân số tăng mau và cũng vì không muốn phụ thuộc vào làng Du Xuyên nữa, bô lão làng này đã xin tách biệt thành một làng mới lấy tên Bồng Doanh (tức làng Danh hay làng Sung Mãn bây giờ).
Làng Như Xuân, theo khẩu truyền: Hồi Chúa Nguyễn Ánh chưa thống nhất được sơn hà, nhiều lần mang quân ra Bắc để đánh nhà Tây Sơn. Nhưng có một lần vì gió Đông thổi mạnh và cũng vì bị quân Tây Sơn phản công, thuyền Chúa Nguyễn phải quay trở lại vào một làng sau mũi Biện Sơn ẩn nấp. Làng mà thuyền Chúa Nguyễn ghé vào, sau được Chúa Nguyễn đặt tên cho làng Đông Hồi (có nghĩa là quay trở lại vì gió Đông).
Làng Như Áng có một vị, tục gọi là ông Quận Hò đã có nhiều công giúp Chúa Nguyễn đánh Tây Sơn nên sau khi thống nhất đất nước (1802) Chúa Nguyễn có trở lại làng Đông Hồi và thăm một vài làng lân cận. Tiện dịp may hiếm có, ông Quận Hò có xin vua một ân huệ: Nguyên làng Như Áng, một ngôi làng bên kia sông Bạng, vì đất chật người đông và cũng vì nạn xâm thực của lạch Bạng, nên một số gia đình không có nhà cửa để ở. Cảnh đói rách và không nhà cửa đã làm cho Quận Hò phải đau lòng và đánh liều đến xin vua giúp đỡ cho làng mình. Nhà vua y cho và từ đó một số đông dân Như Áng sang lập nghiệp ở mảnh đất giữa làng Bồng Doanh và Du Xuyên tục gọi là thôn Như Xuân (vẫn phụ thuộc vào làng Như Áng, tổng Tuần Lá, phủ Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Mãi đến đời ông lý trưởng Hỹ (khoảng năm 1915) làng mới được chính thức biệt lập, do cha già Sỹ đứng lo liệu phân làng.
Làng Ngoại Hải trước kia là một phường, gồm toàn những người đánh cá gần bờ (đẩy xúc chân và lưới me) thuộc làng Lệ, làng Lau (gần làng Sầm Sơn bây giờ), làng Khoa Giáp. Họ làm những chòi lá nhỏ để trú chân trong những ngày mùa cá, hết mùa họ lại trở về làng cũ cày ruộng thuê hoặc làm các việc khác. Nhưng cảnh sống ở làng cũ cũng không có gì dồi dào nên không có sức quyến rũ và giữ chân họ lại. Họ đành phải tha phương cầu thực, dần dần họ thiết lập được một phường ở hẳn trên mảnh đất giữa Bồng Doanh và Núi Thủi. Hằng năm phải đóng thuế cho làng Doanh. Về sau dân cư một ngày một thêm đông, phường đó mới chính thức được phân thành làng Ngoại Hải.
Trong thời kỳ bắt đạo của vua Tự Đức (1848-1883) và thời quấy phá của phong trào Văn Thân (1888-1913) các làng cứ một ngày một thêm đông vì dân cư Công Giáo ở các miền lân cận và nhất là vùng Nghệ An, Hà Tỉnh về đó trú ẩn và khi thái bình, đã lập nghiệp luôn ở đó.
II- THỜI KỲ BẮT ĐẠO VÀ PHONG TRÀO VĂN THÂN
Tuy là dân tứ chiếng nhưng mọi người đều có một tôn chỉ và một tôn giáo: 'Công Giáo' nên dể thông cảm và đoàn kết. Dân Ba Làng đã hơn một lần trốn tránh các cuộc bắt bớ vì Đạo cũng như chống lại những cuộc tàn phá của Văn Thân.
Ta hãy lắng nghe một đoạn vè của người Ba Làng nói về cuộc bắt đạo của vua Tự Đức:
Từ năm Thiệu Trị băng hà,
Để vua Tự Đức ngự toà thong dong,
Ắt là cấm đạo ngặt ngùng,
Con chiên bổn đạo lùng tốtng ra đi.
......................
Khốn thay con trẻ lên năm,
Bồng bế đi tháp một năm bảy chầy.
Cho nên tớ mới bỏ thầy,
Triều đình Văn Võ có hay chăng là?
Thập ác giả làm tượng ngà,
Bắt bổn đạo bước thật là chẳng nên....
.......................
Cuộc bắt đạo diễn ra trong nhiều năm, nhưng không mấy ai còn nhớ rõ và cũng không thấy nói đến các vị tử đạo ở đấy. Theo các cụ già còn sống sót thì khi các cụ có trí khôn, các cụ vẫn còn thấy rất nhiều người già cả bị khắc hai chữ 'TẢ ĐẠO' vào hai bên má. Những người này bị vua quan ghép vào tội theo đạo tà (!) Khắc hai chữ chàm vào má và bắt giam nhiều nơi gọi là 'phân tháp', dân Ba Làng thường bị giam ở một khu trại rất rộng, chung quanh rắp chông gai, ở trên bãi cát của làng Cao Lư, Ngọc Đường cách xa cửa Bạng lối năm cây số về phía Nam. Những người đi tháp ban ngày được đi làm công tác hoặc ra ruộng mót các củ khoai thừa, nhưng có nhiều lính đi kèm. Ban đêm thường bị cùm kẹp. Mãi đến năm 1883, sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước Quý Mùi với người Pháp, công nhận người ngoại quốc được quyền giảng đạo trên đất Việt Nam, khi đó việc cấm đạo mới thôi. Những người bị tù đày và bị phân tháp được trở về quê cũ làm ăn.
.................
Chúa Trời sai Thánh cứu loài người ta,
Bỗng đâu phép lạ Đức Bà,
Liền phá sự dữ cho ta được về,
Lại hoàn chốn cũ như quên,
Cha con đâu đó lại về cùng nhau,
Trên thì rộng mở cửa Mầu,
Dưới thì sinh ngã để sau nối đời.
(vè vua Tự Đức bắt đạo)
Cuộc binh biến ở Huế đêm mùng 4 tháng 7 năm 1885 (Ất Dậu) triều đình Huế bất thần tấn công quân đội Pháp ở đồn Mang Cá cửa Thuận An. Sáng mùng 5 tháng 7 Quân đội Pháp phản công. Vì khí giới thô sơ và cũng vì kỷ thuật chiến đấu kém, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đành phải rút lui và đưa xa giá vua Hàm Nghi ra miền trung lánh nạn, lập chiến khu chống Pháp. Dọc đường vì không chịu được gian khổ, Nguyễn Văn Tường và bà Thái Hậu quay trở lại đầu hàng Pháp.
Ở Ấu Sơn, Hà Tỉnh, vua Hàm Nghi đã ban bố hịch Cần Vương (kể tội Pháp và ra lệnh cho các sĩ phu chịu gian khổ giúp vua cứu nước). Nhưng sau 3 năm cầm đầu phong trào Cần Vương, đêm mùng 1 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị tên tướng Mường là Trương Quang Ngọc bắt nộp cho Pháp, phong trào Cần Vương tan rã.
Vua Hàm Nghi bị bắt và bị đày sang Algerie, Pháp bầu một vị vua khác lên thay là vua Đồng Khánh. Vua Đồng Khánh xuống chiếu kêu gọi các nhà ái quốc hạ khí giới và kết tội phản nghịch những người tiếp tục chống Pháp.
Thấy hai chữ Cần Vương không còn chính nghĩa và thu hút được nhân dân nữa, một số sĩ phu ái quốc như: Phan đình Phùng, Hoàng hoa Thám, Nguyễn thiện Thuật v.v...... đã đồng ý dùng khẩu hiệu Văn Thân để tiếp tục chiến đấu. Phong trào Văn Thân xuất hiện từ đó (1888-1913). Văn Thân là phong trào của những người chữ nghĩa, học thức nổi lên chống Pháp.
Mục tiêu của cuộc ra quân của Phan đình Phùng là mấy làng Công Giáo vùng Hà Tỉnh, Nghệ An. Nguyên do trong tối hôm đó trước có một người vì tò mò đứng gần đồn binh của họ Phan, sau bị nghĩa quân truy lùng, người đó chạy vào một làng Công Giáo gần đó. Thế là mối nghi ngờ người Công Giáo làm tay sai cho Pháp, đi dò thám tình hình đồn nghĩa quân được dư luận thổi phồng. Từ đó, người Công Giáo được xem như là kẻ thù của phong trào và cuộc ra quân đầu tiên của họ Phan là tiêu diệt hoàn toàn hai ngôi làng của người Công Giáo vùng Hà Tĩnh.
Noi gương Phan đình Phùng các sĩ phu khắp nơi cũng vì tinh thần chống Pháp một cách cực đoan đã tuyên chiến với người Công Giáo một cách tích cực, vì có óc tôn giáo hẹp hòi.
Bị lôi cuốn theo dòng lịch sử, dân Ba Làng dù không thích gì người Pháp, dù có tinh thần yêu nước cao độ, nhưng cũng phải giữ mạng sống trước nhất. Hơn nữa trong cuộc bắt đạo vừa qua, người dân ngoại đã gán cho người Công Giáo đi đôi với người thực dân Pháp. Nên họ có một quan niệm không mấy tốt đẹp với người Công Giáo. Bởi vậy, khi nghe Văn Thân có thể về làng để tàn phá, giết chóc, là người Công Giáo chuẩn bị, liều chết nghinh chiến. Tuy trong thâm tâm người Công Giáo Ba Làng, vẫn một lòng kính trọng và biết ơn những người lãnh đạo phong trào Văn Thân, vì họ đã biết xả thân cho tổ quốc, nhưng không biết phân biệt bạn hay thù.
Dân Ba Làng là một dân toàn tòng Công Giáo và phải nói là một dân rất hiền lành, họ rất sợ Văn Thân quấy phá. Họ tổ chức rào làng, cắm chông, rèn khí giới. Thanh niên Ba Làng được luyện tập võ nghệ và sẳn sàng ứng chiến với Văn Thân bất cứ lúc nào và nơi nào trong miền Nam địa phận Thanh Hóa, nếu Văn Thân đến đốt phá làng của họ và các xứ đạo lân cận.
Đời cha già Ngọc làm chính xứ và cha già Ngũ làm phó xứ (khoảng năm 1900) đã có nhiều cuộc binh tiến ra Thượng Chiểu, Phúc Lãng, Hòa Yên (thuộc địa phận Thanh Hóa), để giải vây cho các xứ đang bị Văn Thân quấy phá.
Sau đây ta hãy lắng nghe các cụ già kể lại qua bài vè Văn Thân:
Ba năm tụ nhất tháng giêng,
Văn Thân làm 'giặc' nổi lên tứ bàng,
'Giặc' này cũng có các Quan.
Đốt phá trong làng thật là đạo dân,
Cụ Phó tức giận bừng bừng
Truyền cho ba họ luyện quân một ngày
Làng Doanh tiền quân cũng hay.
Ngoại Hải ta rầy đi đạo Trung Quân
Như Áng hậu quân là xong,
Lại chọn quân tiến ở trong Ba Làng
Ba năm thất thủ giặc tàn
Vợ con về ấy chẳng còn chút chi
Kéo ra Thượng Chiểu một khi......
Trong các cuộc hành quân ngăn ngừa Văn Thân quấy phá của dân Ba Làng, người ta phải công nhận lòng can đảm, chí phấn đấu của mọi người từ đàn bà trẻ con, từ ông già bà lão, đến các thanh niên, mọi người đều một lòng cương quyết bảo vệ làng xóm và bảo vệ đức tin của người Công Giáo. Dẫn đầu tiền quân chống Văn Thân là ông Đốc Kết (tục gọi là Quận Sắt), một con người lão luyện có sức khỏe lạ thường. Người ta kể lại: có một lần đi qua núi Thủi, ông thấy có hai tảng đá lớn trông đẹp mắt, liền cắp hai nách hai cái đem về để dưới cây bàng trước cửa làng cho đồng bào ra đó ngồi hóng mát trong những buổi trưa hè nóng nực. Bên cạnh ông Đốc Kết, phải kể đến ông Cố Hậu, đã một lần dẫn toán quân Ba Làng ra giải vây cho Thượng Chiểu, Phúc Lãng thuộc quận Quảng Xương và chém đầu tướng giặc ở chợ Cồng.
Như Áng hậu quân phải nói đến ông cố Phúc, xử dụng súng thần công đại bác - khẩu súng này đã làm cho địch quân mất tinh thần hoảng chạy nhiều lần.
Nhờ tinh thần chiến đấu hăng say, nhờ lòng cương quyết bảo vệ đức tin và làng xóm, dân Ba Làng không những đã lướt thắng được Văn Thân quấy phá, mà còn bảo vệ hữu hiệu cho các làng Công Giáo lân cận nữa.
III- BA LÀNG TỪ THỜI KỲ KIẾN THIẾT ĐẾN HIỆP ĐỊNH GENEVE
Sau những năm lao lung vất vả vì bị cấm đạo và bị Văn Thân bách hại, dân Ba Làng bắt đầu kiến thiết xứ sở và làng xóm. Ba ngôi thánh đường nguy nga rộng lớn đã được xây dựng để có nơi khang trang mát mẻ cho bổn đạo đến đọc kinh xem lễ. Cuộc sinh họat của dân chúng có vẻ náo nhiệt và sầm uất:
Trên Thiên Đàng có sao Bắc Cực
Dưới nhân gian có đất Ba Làng
Điạ tịch như phong cảnh vẻ vang,
Lòng nhân ngãi ra như đàng phú túc
Ở đây là như xứ mục xứ ốc doanh cơ,
Rất vui thay về tuyết tháng Tư
Thuyền đánh cá đông như đàn kiến
Trước cửa làng núi Mê, núi Biện,
Tả hửu sơn những miếng (?) chầu vào
Trẻ vui chơi đông đúc làm sao
Người đi lại ra vào cũng lắm
Ba cây Thánh Giá trồng trên bãi trắng.
Ba cây trồng cao phẳng bằng nhau
Mỗi một làng lại có một cây
Hợp như chữ: Tam cầu sở nguyện.
(Vè Ba Làng)
Như trên ta thấy cuộc sống ở đây có một mức sống khá đầy đủ. Ngoài ra, về phương diện tinh thần, có tiểu chủng viện được các cha Thừa Sai xây cất theo một lối kiến trúc tân kỳ để đào tạo các vị linh mục trong tương lai. Cộng vào đó là phong cảnh đẹp, quyến rủ những du khách thập phương về đó nghĩ mát trong những ngày hè oi ả. Khách ở xa tới vào những ngày trong tháng Hoa Đức Mẹ (tháng 5 dương lịch) chắc khó lòng rời gót, vì:
Thật là nơi đạo đức khôn ngoan
Xem như thể Thiên Đàng chốn ấy.
(vè Ba Làng)
Phong cảnh Ba Làng còn được tô điểm thêm bằng những rặng phi lao xanh mát chạy dài theo bờ biển và những cây xoan tây đỏ chói rung rinh trong nắng sớm.
Ba Làng phải nói là một nơi nghĩ hè lý tưởng vì ở đây có muôn chim ca hót, điểm tiếng sáo diều ai vi vu trên không trung, có bãi cát trắng mịn màng dẫn đưa tới bờ nước Đại Dương hiền hòa không vực thẳm. Đi dạo trên bãi biển Ba Làng vào những buổi bình minh vừa ló dạng, người ta cảm thấy tâm hồn lâng lâng như lạc vào cảnh Bồng lai của hạ giới.
Sau đây ta hãy nghe Ngô Nghĩa Tử tả cảnh biển Ba Làng trong bài 'con thuyền lý tưởng':
Sớm hôm nay tôi đi trên bờ biển
Hớp gió lành và tắm ánh bình minh.
Ngoài xa khơi biển nhấp nhánh mông mênh,
Có mây trắng, non xanh, và buồm nâu thấp thoáng.
Lòng tôi thấy rạt rào nguồn mỹ cảm.
Non xanh kia là những bát cao lâu,
Mây đỉnh non từng chùm trắng phau phau
Là hơi cao lâu bốc lên nghi ngút;
Mâm lóng lánh là biển vàng bát ngát
Và buồm kia là những cánh ruồi bay
Đang đi tìm hương vị của mê say
.....................
Tác giả đã thi hóa cảnh trên mặt biển là một bàn ăn đầy hương vị và những cánh buồm nâu kia là những con ruồi thèm khát đang di chuyển trên mặt phẳng mênh mông.
Tài liệu số 2: của Nguyễn Ðức Thịnh
BA LÀNG -THANH HÓA
Thứ Nhất Tòa Thánh Rôma
Thứ Nhì Cửa Bạng
Thứ Ba Thần Phù
Cửa Bạng - cửa của con sông Bạng đổ ra biển - sau được đổi tên là xứ Ba Làng, thuộc địa phận Thanh Hoá, là một xứ đạo lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá.
Trong thời gian số giáo hữu chưa được đông đúc, thì tỉnh ThanhHoá thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài, tức điạ phận Hà Nội. Theo giáo sử, từ 1659-1679, điạ phận Đàng Ngoài gồm hai điạ phận: Điạ phận Tây (Hà Nội) bao gồm Phát Diệm, Thanh Hoá, Vinh vàHưng Hoá; và điạ phận Đàng Đông (Hải Phòng), bao gồm Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh và Lạng Sơn.
Đến năm 1901, điạ phận Thanh Hoá được thành lập, và BaLàng vẫn là giáo xứ lớn nhất của địa phận.
Câu ca dao trên nói lên điạ vị của xứ Cửa Bạng(Ba Làng). Vậy Ba Làng, Thanh Hoá được nhiều người biết đến vì những lý do nào?
Theo thiển ý của kẻ viết bài này, thì Ba Làng thuộc điạ phận Thanh Hoá, đã được nhiều người biết đến vì những lý do sau đây:
1) Ba Làng là nơi vị thưà sai đầu tiên, cha Alexandre de Rhodes đặt chân lên đầu tiên trong cuộc hành trình đi rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam.
2) Điạ điểm rất đẹp của Ba Làng và sự buôn bán phồn thịnh.
3) Trường Bảng Ba Làng về sau phát triển thành tiểu chủng viện Thánh Giuse Ba Làng (11), nơi đào tạo những linh mục lỗi lạc.
Giáo sử cho biết: cha Alexandre de Rhodes (1591-1660), linh mục thừa sai, dòng Tên, thuộc quốc tịch Tây Ban Nha, trong cuộc hành trình trên chiếc tàu buôn Tây Ban Nha, khi đang ngoài khơi hải phận Việt Nam, định hướng vào cửa Thần Phù để ra Bắc Hà, thì ngày 17/3/1627 gặp cơn bão lớn nổi lên trên biển Nam Hải. Mọi người trên tàu lo sợ và tìm mọi cách để ghé tàu vào đất liền, nên nhắm một ngọn núi lấy hướng, tức là hòn Mê. (Một hòn đảo cách Ba Làng chừng vài chục cây số). Cha Alexandre và một vị truyền giáo khác đêm ngày không ngớt cầu xin và trông cậy sự bầu cử của Thánh Cả Giuse. Chiều ngày 19/3/1627, ngày lễ kính Thánh Cả Giuse, khi hai vị thừa sai đầu tiên chèo một con thuyền vào cửa Bạng, để bắt đầu việc giảng đạo, các đấng nhìn thấy trên một tảng đá lớn nằm lồ lộ giữa giòng sông, hình một cây thánh giá vẽ bằng vôi, mà không biết do bàn tay nào vẽ trên đó. Các đấng liền nghĩ rằng: đây là dấu Chúa cho biết Thánh Giá một ngày kia sẽ hiển trị trên đất nước này. Nhưng trước khi đến ngày hiển thánh ấy, sẽ có bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu mồ hôi nước mắt và máu.
Vì được sự của Thánh Giuse, hai vị truyền giáo đã tới được đất liền bình an, vì thế các Ngài đã chọn Thánh Giuse làm thánh quan thầy cho xứ truyền giáo này. Trong kinh Thánh Giuse mà chúng ta vẫn thường đọc, nhắc tới sự tích này: "Vậy chính ngày lễ ông thánh Giuse, thì đấng làm thầy giảng đạo đã được sang nước Việt Nam mà đem tin lành cho chúng tôi biết Đấng sinh nên muôn vật, cùng biết ơn Đức Chúa Yesu chuộc tội thiên hạ. Nhân vì sự ấy, các bổn đạo nước này đã chọn lấy ông Thánh Giuse làm quan thầy chung....."
Cũng để ghi nhớ biến cố này, một tiểu chủng viện được thiết lập tại Cửa Bạng, được đặt tên là Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse (11), để nói lên lòng tin tưởng vào sự bầu cử thần thế của Thánh Giuse trước Chúa, và cũng để kỷ niệm hai nhà truyền giáo đầu tiên đã đặt chân trên mảnh đất yêu quý Cửa Bạng của chúng ta.
Thành quả, hơn 300 năm sau khi hai nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên, mầm mống đức tin đã nẩy nở và phát triển mạnh mẽ trên đất Cửa Bạng, mặc dầu đã phải trải qua nhiều cơn sóng gió: năm 1772, sau khi Trịnh-Nguyễn phân tranh, thì loạn Tây Sơn nổi lên, đóng đồn ở núi Văn Liễn, cách Cửa Bạng chừng 6 cây số. Họ Cửa Bạng bị quân Tây Sơn tàn phá, giáo dân phải chạy qua sông Bạng, hoặc vượt núi Thủi về phiá Bắc, hoặc qua núi Do vào phía Nam để lánh nạn...... Trong thời kỳ Văn Thân cấm đạo gay gắt, giáo dân Ba Làng lại trải qua những ngày tang tóc và đau thương. Quả thực như lời sử gia Tertulien đã nói: "Máu tử đạo là hạt giống sinh ra người tín hữu". Sau những gian nan thử thách, giáo dân Ba Làng càng tăng trưởng mau lẹ. Hạt giống đức tin đã lan rộng sang các vùng lân cận như Thượng Chiểu, Hoà Yên, Giảng Tín, Thái Yên, Biện Sơn...... Những điạ điển này, trước tiên là những họ đạo, trực thuộc giáo xứ Ba Làng, sau này đã trở thành những giáo xứ biệt lập, ngoại trừ Biện Sơn, một hải đảo nằm về phiá Đông Nam Cửa Bạng, cách Ba Làng chừng 10 cây số, vẫn là họ đạo của giáo xứ.
XỨ BA LÀNG THUỘC HUYỆN TĨNH GIA, THANH HOÁ.
ĐỊA HÌNH
Phía Bắc được án ngữ bởi hòn núi Thủi, một hòn núi trọc với cây cối thưa thớt. Người ta có thể đi bộ băng qua truông núi Thủi, tới xóm Mò phía Bắc, và tiếp tục theo đường bờ biển đi tới Thượng Chiểu, một xứ đạo cách Ba Làng 4km và tới Hoà Yên, xứ đạo cách Ba Làng 8km. Xứ Hoà Yên nằm sát con sông Ghép. Vì sông Ghép lớn, không thể bắc cầu, xe cộ phải qua sông bằng phà.
Phía Tây núi Thủi có nhiều cây cối và đồng cỏ, vì thế nhà xứ Ba Làng đã khai thác thành một trại để cấy lúa với diện tích chừng mười mẫu, gọi là trại cụ. Sát dưới chân núi Thủi về phía Tây Nam là xóm Sung Mãn Thượng (Xóm Trại), là phần đất có chiều ngang rộng nhất (từ sông Bạng ra biển). Dân cư ở đây có thể cấy luá và trồng khoai. Có mấy gia đình nuôi bò và dê.
Trong khu Sung Mãn Thượng, có nghĩa điạ của xứ Ba Làng và có tiểu Chủng Viện Thánh Giuse.
Phía Nam Ba Làng là Xóm Mới và làng Do Xuyên, làng Do Xuyên về phiá Đông-Nam được án ngữ bởi núi Do. Cây cối cũng thưa thớt như núi Thủi.
Lạch Bạng nằm sau núi Do. Nối liền với sông Bạng. Nhà truyền giáo đầu tiên, cha Alexandre de Rhodes đã theo cửa con sông này vào đất liền giảng đạo.
Con sông Bạng chạy dọc phía Tây Ba Làng. Sông này có nhiều khúc được nối tiếp bằng những con kênh để thuyền bè có thể giao thông với tỉnh Thanh Hoá (cách Ba Làng 40km) và những vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất tỉnh là Nông Cống và Phủ Bình.
Phía Đông Ba Làng là biển Nam Hải. Xa xa ngoài khơi chừng 20km được án ngữ bởi Hòn Mê, Hòn Bung. Và phía Đông Nam, gần đất liền, có hòn Biện Sơn, Biện Sơn là một họ đạo thuộc xứ Ba Làng. (*)
Vì ba phía được án ngữ bởi núi, nên bãi biển Ba Làng rất bằng phẳng và êm sóng. Dọc bãi biển thuyền bè đậu chi chít.
Muà hè cảnh sinh hoạt trên bãi biển tấp nập như chợ. Nào những đám lưới Me (lưới Rồng) kéo ngang bãi biển như những con rắn khổng lồ; nào những thuyền bè đi về đầy những cá đang chuyển lên bờ. Người đông như họp chợ. Trên bãi cát khô, những hàng cột rường được dựng ngổn ngang, để phơi lưới. Mọi buổi tối bãi biển lại thêm nhộn nhịp cảnh người ngồi hóng mát.
Diện tích xứ Ba Làng rất chật hẹp. Chiều dài chừng 2km. Chiều ngang chổ rộng nhất chừng 2km (Xóm Sung Mãn Thượng) và chổ hẹp nhất chừng 1/2km (Ngoại Hải).
Xóm Sung Mãn Thượng nằm về phía Bắc. Dân số không được đông, phần lớn sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, chỉ có một số ít sống bằng nghề biển.
Xóm này có một nhà thờ nhỏ, nhà thờ Chúa Kitô Vua. Vì gần tiểu Chủng Viện thánh Giuse, nên mỗi chủ nhật thường có một cha ở chủng viện ra làm lễ ở đó.
Họ Ngoại Hải kế tiếp xóm Sung Mãn Thượng chạy dài theo biển. Phần đất chiều ngang hẹp. Họ có một nhà thờ kính Thánh Giuse, nằm ngang trên bãi biển. Những khi sóng lớn, thường làm soi cả chân nền nhà thờ. Vì thế mỗi năm các thuyền trong họ thường tập trung đi chở đá về đổ chung quanh khu vực nhà thờ để giử khỏi lở đất.
Về mặt kinh tế, họ Ngoại Hải giàu hơn các họ khác. Đặc biệt là có nhiều thuyền gõ và nhiều ghe chở nước mắm đi bán các nơi.
Họ Ngoại Hải đã sản xuất nhiều linh mục cho địa phận. Vị linh mục tiên khởi của xứ Ba Làng, xuất thân từ họ này, là cha chính An.
Kế tiếp họ Ngoại Hải là họ Sung Mãn. Họ này lớnh nhất xứ Ba Làng. Nhà thờ chính xứ và cha sở ở trong khu vực của Họ. Có hai nhà thờ: Một nhà thờ lớn là nhà thờ Đức Bà, cất theo kiểu cổ, có tháp giống như tháp chùa. Trong nhà thờ có những cột gỗ lim lớn. Sau này, vì số trẻ con phát triển quá đông, nên xứ cất thêm một nhà thờ dành cho giới trẻ. Nhà thờ Kính Chuá Yesu Yêu Các Trẻ Nhỏ (12). Vị trí nhà thờ nằm ngang hàng với trường tư thục xứ Ba Làng.
Trường tư thục xứ là một dãy nhà xây lợp ngói, có sáu phòng lớp. Chương trình từ vỡ lòng đến tiểu học, dành riêng cho giới nam. Phiá Đông của trường có một sân vận động để học trò có thể đá banh.
Xứ Ba Làng còn có một trường dành cho giới nữ. Nằm sát nhà dòng Mến Thánh Giá. Các chị nhà dòng phụ trách việc giáo huấn.
Theo quan niệm của cha ông ngày trước: trọng nam khinh nữ. Đàn bà, con gái, bổn phận chính lo việc nội trợ trong nhà, nên thường giới nữ chỉ học hết cấp sơ học.
Nhà cha sở của xứ, nằm phiá sau nhà thờ Đức Bà, là một nhà xây hai tầng, lợp ngói. Nhà khá lớn, vì trước kia dùng để huấn luyện một số chủng sinh, mới bắt đầu tu trì, gọi là trường Bạng Ba Làng. Cùng chạy hàng dài với nhà này là một dãy nhà lợp bằng lá kè, tường trát vôi, là khu nhà dành cho các tu sĩ và là khu nhà bếp.
Chung quanh nhà xứ có vườn rất rộng, trồng luá miến để làm bánh lễ. Nhà xứ thường có ba cha, một cha chính và hai cha phó. Từ khi thành lập xứ thì có cha già Sĩ là cha chính xứ. Kế đến có cha già Thanh và cha già Hiền. Xứ thường có hai hoặc ba thầy giảng giúp các cha trong việc nhà thờ và dậy học. Trong số các thày giúp xứ có bố già Khanh là nổi tiếng nhất. Ông là người rất giỏi về âm nhạc (13). Có óc tổ chức nên đã giúp ích rất nhiều trong việc giáo dục giới trẻ. Nhất là giúp hội ca vịnh của xứ rất nhiều.
Kế tiếp họ Sung Mãn là họ Như Xuân. Dân số ít hơn các họ khác. Người ta cũng gọi là Đồng Pho, vì có nhiều người từ làng Đồng Pho, bên kia sông đến lập nghiệp. Họ có một nhà thờ kính thánh Phêrô nằm ngang giữa làng.
Họ này có tính hay nghịch ngợm và ương ngạnh (3a), nên mỗi lần rước kiệu chung với xứ, thường có những tổ chức khác người, như đội nón lộn vành, đội trống nhẩy. (4a)
Từ trước đến nay, họ mới chỉ có một linh mục là cha Nguyễn viết Hiền.
SINH HOẠT TÔN GIÁO
Cũng như hầu hết các giáo xứ ở ViệtNam, Ba Làng là một trường sinh hoạt về tôn giáo rất rầm rộ. Vì dân số Ba Làng đông, lại sống gần nhau, nên sự sinh hoạt rất là mạnh mẽ và thường xuyên.
Hàng ngày, sớm chiều, sau khi chuông nhà thờ báo hiệu, ngoài đường lũ lượt những người kéo về nhà thờ xứ để dự lễ ban sáng và đọc kinh tối.
Vì dân trong xứ có lòng yêu mến Đức Mẹ, nên mỗi tối thứ Bảy, số giáo dân tụ họp đến nhà thờ rất đông để làm việc kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và chầu Phép Lành. Chủ Nhật từ 3 giờ sáng đã có chuông báo hiệu, các bậc phụ huynh lũ lượt kéo đến nhà thờdự lễ. Đường xá tấp nập như ngày hội. Nhà thờ không đủ chổ nên đồng bào phải ngồi chật ních các sân nằm hai bên hông nhà thờ. Lễ 4 giờ sáng chỉ dành riêng cho người lớn.
Những ngày lễ như lễ Phục Sinh, Hiện Xuống, Mông Triệu, Các Thánh và Giáng Sinh là những ngày lễ lớn của xứ. Trước lễ mấy ngày, giáo dân đã đến nhà thờ đông nghẹt để xưng tội dọn mình mừng lễ. Vì là những ngày lễ nghĩ việc. nên số người đến nhà thờ rất đông. Thường trong những dịp này, trước cổng nhà thờ có những hàng bày bán ảnh tượng và các đồ ăn như thịt, bún..... để đồng bào mua ăn mừng lễ. Trong làng xóm thì nhộn nhịp ăn nhậu như ngày tết.
Hai hội đoàn hoạt động mạnh mẽ nhất trong xứ là hội Ca Vịnh và hội Nghĩa Binh Thánh Thể. Cứ mỗi thứ Năm trong tuần có một lễ riêng cho hội NBTT.
Những dịp đặc biệt trong năm là Mùa Chay và tháng Đức Bà. Trong mùa Chay thường tổ chức ngắm Sự Thương Khó. Riêng ngày thứ Sáu ăn chay, buổi trưa các nhà thờ trong xứ đều tổ chức ngắm Rằng, trước khi ăn cơm chay. Các phụ huynh có những lớp học Giáo Lý và Kinh Bổn để qua các cuộc thi vào dịp gần lễ Phục Sinh. Giới trẻ thi kinh bổn vào dịp lễ Các Thánh. Dịp thi kinh bổn là những dịp các Họ thi đua với nhau. Những họ nào mà trúng giải nhất nhiều thì rất hãnh diện, chuông nhà thờ Họ reo vang để ăn mừng. Tháng Đức Bà, mỗi ngày thứ Bảy, một họ trong xứ tổ chức rước kiệu của Họ về nhà thờ xứ, và kiệu của xứ (kiệu bát cống, 8 người khiêng) sẽ nhập với kiệu của Họ để rước chung quanh nhà thờ. Đầu và cuối tháng Đức Bà và ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, có kiệu hội: Tất cả các họ đều khiêng kiệu tập trung rước dọc bờ biển và rước về nhà thờ Đức Bà. Thật là khung cảnh nhộn nhịp của ngày hội lớn. Tất cả hang cùng ngõ hẽm đều nhộn nhịp, chen lẫn tiếng chiêng trống và tiếng chuông nhà thờ reo vang.
Mỗi năm từ tháng 11 trở đi, sinh hoạt của xứ trở nên nhộn nhịp.
Trong tháng 11, tháng các linh hồn, hầu như sáng nào cũng có lễ mồ cầu cho những người quá cố, chuông nhà thờ được dịp hoạt động mạnh mẽ. Kế đến tháng Chạp là tháng của lễ cưới, thường được tổ chức các sáng thứ Năm. Trên Cung Thánh chật ních những đôi quỳ san sát để cử hành lễ cưới tập thể. Ngoài ra còn có những lễ cưới cá nhân được tổ chức trọng thể, có ba cha đồng tế. Tháng Chạp là tháng chuẩn bị cho tết Nguyên Đán. Các ghe thuyền thường tổ chức giết heo ăn tất niên, mỗi chủ ghe thường nhớ tới cha xứ trong dịp này, nên họ thường dành cái quý nhất trong con heo là cái thủ và một mâm gạo tấm đem đến tết cha.
Hầu hết các gia đình cũng đều nhớ đến cha sở trong dịp đầu năm, nhà nào cũng lo mua sắm lễ vật để đi tết cha.... Trong những dịp này, nhà xứ không còn chổ để chứa đồ ăn, nên thường mướn nhiều người vào giúp gói giò thủ, nướng cá để đem ra tiếp tế cho nhà chung Thanh Hoá, hoặc biếu Chủng Viện.
Vì là những người công giáo tốt, được các cha và các thày chú ý đến việc giáo dục, nên nền luân lý trong xứ rất là đáng khen. Nam nữ không có 'lộn xộn' như thời đại chúng ta bây giờ. Nền tảng gia đình rất là vững chắc.
Dân Ba Làng có khuyết điểm lớn là hay uống rượu 'ba-xi-đế' rất nhiều. Uống không phải bằng ly mà uống bằng chén. Tửu nhập thì ngôn xuất, rượu say thì sinh ra cãi lộn.
NỀN KINH TẾ
Ba Làng có một nền kinh tế trổi vượt hơn các làng lân cận. Nguồn lợi chính là nghề đánh cá. Những đoàn thuyền Gõ về mùa hè đánh đầy moi (một loại tép nhỏ) và cá Cơm ngay trước bãi biển, nhiều hôm được đầy nhóc. Moi và cá Cơm đánh được, các chủ ghe thường dùng làm mắm. Nhiều nhà có đến mấy chục thùng mắm bằng gỗ lớn. (cao chừng 2m, đường kính từ 2 -3m).
Những chiếc ghe lưới Rút đi hành nghề rất xa. Họ thường dùng lá dừa khô làm thành cái tổ (gọi là Rão) ở ngoài biển khơi để cá tụ họp. Thường khi tới mùa cá Nục và Mực, các ghe đi biển rất khơi và ở luôn ngoài biển 4 - 5 ngày bao giờ ghe đầy cá mới về (1a). Vì ghe hoạt động xa bờ, nên mỗi khi có bão lớn, phần nhiều ghe thuyền bị đắm và nhiều người chết, như năm 1952, vào dịp lễ Đức Bà Hồn Xác lên trời, bị tố lớn, có tới hàng trăm người chết ngoài khơi! Đi lễ trong nhà thờ thấy trắng xoá những vành khăn tang. (2a)
Những nghề khác như lưới Me, lưới Bè, câu Kiều, câu chăng.... thường cung cấp cá tươi để ăn. Những cá đánh được, một số lớn dùng làm mắm, ngoài ra một số ít dùng phơi khô hoặc được các nhà buôn đem bán các chợ bên kia sông Bạng, hoặc đổi lấy những nông sản như khoai và đậu, cứ đến mùa khoai, dân Ba Làng sang các làng lân cận như làng Nở, làng Chay, làng Xã Liễng gánh về biết bao là nông sản.
Nguồn lợi chính của Ba Làng là đi bán nước mắm. Hàng ngày có nhiều người gánh mắm đi bán lẻ ở các làng lân cận, hoặc ở chợ Cồng, chợ Bạng.
Những ghe mành lớn, đậu dọc bờ sông Bạng, để tải nước mắm đi bán ở Hà Nội, Hải Phòng, Phát Diệm mỗi năm đem về cho Ba Làng nhiều tài chánh. Những đoàn ghe nhỏ hơn, chở mắm đi tận các trung tâm sản xuất lúa gạo trong tỉnh như Nông Cống, Phù Bình, Bái Thượng..... để đổi lấy luá. Những nhà khá giả ở Ba Làng, nhà nào cũng có những vựa lúa cót cao, không khác gì những nhà nông cấy hàng chục mẫu ruộng.
Hàng ngày có chợ họp buổi chiều trong làng để buôn bán thức ăn, vật dụng thường. Đó là không kể các chợ Phiên: ngày chẳn có chợ Bạng và ngày lẻ có chợ Cồng. Những chợ Phiên này khá lớn.
Ba Làng ở vào một địa thế thuận lợi cho việc giao thông, buôn bán, trên sông dưới biển, dân số lại đông đúc, nên sự sinh hoạt rất là sầm uất, nhất là về hoạt động tôn giáo nên mới có câu tục ngữ:
Thứ nhất tòa thánh Rôma
Thứ nhì cửa Bạng (Ba Làng)
Thứ ba Thần Phù. (huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, nơi có động Từ Thức)
Ghi chú
(*) Họ đạo này, bổn đại rất đơn sơ chất phát. Có câu chuyện kể rằng trong một tuân “Làm Phúc”, Cha Già Hiển đã đưọc mời ăn tiết canh như sau: “Mời cha xơi bát tiết canh cho mát ruột rồi làm lễ”. Không biết Cha Già Hiển đã trả lời ra sao. Cũng nên chú ý rằng trong thòi đó, “chay Thánh Thể” rất là ngặt: muốn rước lễ, phải giữ chay bắt đầu từ nửa đêm, không được uống dù là một giọt nước.
(1a) Thường gọi là đi “Lưới Rút”.
(2a) Cũng trong vụ bão này, gia đình Cha Trịnh Thê Hùng, tại Sung Mãn có vài người anh đi lưới bị bạt vào tới Cửa Ròn, Nghệ An. Hơn tuần lễ sau các người anh đó mới trở về tới nhà với sự sửng sốt và vui mừng của gia đình và toàn xứ, sau khi Cha Xứ (Cha Già Hiển) đã làm lễ cầu hồn và gia đình đã làm lễ phát tang, khóc hết nước mắt trong suốt tuần lễ vừa qua.
(3a) Các thanh thiếu niên tinh quái của các Họ khác vẫn mỉa mai giới trẻ của Họ Như Xuân: “Như Xuán là quân ăn cướp”. Nhưng giới trẻ Họ Như Xuân cũng không vưa, họ đối lại với Họ Sung Mãn - tục gọi là Làng Danh – bằng những từ ngữ không thanh tao mấy: “Làng Danh ăn chanh c. chó”; đối với Họ Ngoại Hải: “Ngoại Hải thi giải ra quan”; đối với Xóm Sung Mãn Thượng – cũng gọi là Xóm Trại: “Xóm Trại thì dại cả đời”.
(11) Cũng được gọi là Trường La Tinh.
(12) Theo một số ngưòi hiện nay biết rõ Nhà Thờ nhỏ này thì tên Nhà Thờ này gọi là Nhà Thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ðây cũng có hội quán – nơi hội họp cho các em Nghĩa Binh, Trung Binh, Thanh Thiếu Niên và Liên Ðoàn Cóng Giáo.
(13) Một bài hát do Ông sáng tác rất thịnh hành trong Xứ Ðạo, bài “Ðức (i) Mẹ là Mẹ hiển vinh. Con xin Ðức Mẹ dủ tình..). Ngoài ra, Ông còn rất lão luyện về thuật thôi miên.
* Nguồn : Trang WEB Giáo Phận Nha Trang
No comments:
Post a Comment