Saturday, October 29, 2016

Đôi nét về trường Thanh Hải





Đôi nét về trường Thanh Hải 
--------------------------------------
Người viết: Nguyễn Thiên Tạo
Nguồn bài viết: Cao Việt Cường sưu tầm

Ở các xứ đạo thường có một nét chung: Bên cạnh ngôi thánh đường là khu trường học của giáo xứ. Với mục đích truyền bá đức tin và giáo lý, phổ biến phong tục tập quán tốt, đào tạo chủng sinh cho các Tiểu Chủng Viện và sau cùng là dạy văn hóa.
Đầu năm 1955, đoàn người di cư vừa chân ướt chân ráo đến Bình Thuận, họ đã nghĩ ngay đến việc giáo dục cho con em mình... Song song với việc xây dựng nhà thờ, trường học cũng được xây dựng với nhiều phòng ốc rộng rãi và thoáng mát.
Niên khóa 1956 - 1957, trường Xóm Đầm Thanh Hải đã được Ty Tiểu Học Bình Thuận cho phép mở các lớp từ Mẫu Giáo đến các lớp 1, 2, 3, 4, 5. Đảm trách việc dạy dỗ lúc đó là linh mục Đinh tuấn Ngạn, các thầy giáo xứ và các chị giáo (soeur).
Niên khóa 1957 - 1958, trường Thanh Hải được chấp thuận tăng thêm một cấp thành trường Trung Tiểu Học Thanh Hải. Linh mục Trịnh việt Yên làm hiệu trưởng đầu tiên của trường. Trực tiếp điều khiển trường là linh mục Rôcô Đinh hữu Phương, một linh mục nhiệt tâm trong việc giáo dục lớp trẻ, tích cực lo công ăn việc làm cho giáo dân trong xứ và là người có sáng kiến cơ giới hóa ngư nghiệp đầu tiên ở tỉnh Bình Thuận (thay thuyền buồm và chèo bằng thuyền động cơ).
Trong quá trình thực hiện chức năng giáo dục, trường Trung Tiểu Học Thanh Hải đã đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, xã hội của giáo xứ. Hàng năm giáo xứ thường tổ chức hội xuân vào dịp tết Nguyên Đán (với sự đóng góp tích cực của các em học sinh) để tránh cho nhiều người bớt đi nạn rượu chè, cờ bạc cũng như tổ chức tết Trung Thu cho các em thiếu nhi rước đèn trong xứ. Vào dịp lễ Giáng Sinh, trường phân chia cho các học sinh thành nhiều nhóm, xây nhiều khu hang đá thật đẹp để giới thiệu Mầu Nhiệm "ngôi lời nhập thế" với lương dân và tăng bầu khí vui tươi trong giáo xứ nhân ngày đại lễ. Trường còn tham gia rất tích cực các sinh hoạt của giáo xứ cũng như tổ chức giao lưu với các xứ bạn.
Trong 20 năm, từ năm 1955 tới năm 1975, trường đã tiến một bước khá dài với 250 em học sinh buổi ban đầu, con số đã lên đến trên 1000 em vào niên học 1973 - 1974. Con số học sinh này không phải hoàn toàn là học sinh của Thanh Hải mà nhiều học sinh từ các nơi xa và các vùng lân cận đã đến xin nhập học.
Năm 1965, để trực tiếp theo dõi, đôn đốc công việc nhà trường, linh mục Phạm Ngọc Oanh đã đảm nhận chức vị hiệu trưởng. Thời gian này, trường được cải tiến nhiều về trường ốc, phương thức giảng dạy, huấn luyện để việc giáo dục được hợp với tiến hóa của xã hội.
Dưới đây là danh sách các vị giám đốc của trường từ năm 1955 đến năm 1975:

1. LM Đinh tuấn Ngạn
2. LM Đinh hữu Phương
3. LM Vũ anh Thuấn
4. LM Bùi ngọc Báu
5. LM Mai nghị Luận
6. LM Vũ ngọc Đăng
7. LM Trần hữu Thành
8. LM Trần văn Tiên

Trong thời gian linh mục Nguyễn quang Huy làm chính xứ, trường Thanh Hải được công nhận là trường có cấp III (1974-1975).
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trường Trung Tiểu Học Thanh Hải đã do nhà nước quản trị và đổi tên thành trường Phổ Thông Cơ Sở Thanh Hải.
Mừng 40 năm thành lập giáo xứ cũng là kỷ niệm 40 năm thành lập trường Thanh Hải. Chúng ta vui mừng vì cái quan niệm cổ hủ "chữ nghĩa văn chương không bằng khúc xương cá mòi" đã bị nền giáo dục đánh bạt. Mọi người đều nhìn nhận rằng: Sự học là cần thiết, vì đó là món ăn tinh thần. Không có nó, nghèo đói, ngu dốt, bệnh tật sẽ chế ngự chúng ta.
Ngày nay trên các nẻo đường đất nước Việt Nam thân yêu hay ở một miền nào xa lạ nào trên thế giới, cựu học sinh Thanh Hải đã và đang mang tài năng, trí tuệ của mình ra để phụng sự quốc gia, phục vụ dân sinh.
Hàng năm, ngày 21 tháng 11 là lễ bổn mạng của trường Thanh Hải, ngày Đức Mẹ Dâng Mình, là mọi tâm hồn đều hướng về trường cũ. Ngoài ra cựu học sinh các lớp còn tìm về trường họp lại vào các ngày quan thầy lớp để cùng chia sẻ vui buồn với nhau, cùng ôn lại ngày xanh, một thời niên thiếu vô tư đuổi hoa bắt bướm. Cựu học sinh cũng sẵn sàng giúp đỡ, ủy lạo các bạn bè đang gặp khó khăn. Tinh thần trường Thanh Hải Phan Thiết mãi mãi in sâu trong lòng học sinh của trường, và mọi cựu học sinh đang cố mang hết khả năng của mình ra để tô điểm cho mái trường cũ ngày thêm tươi đẹp hơn.

No comments:

Post a Comment